Cuốn “Big Mistakes” ghi lại mọi sai lầm mà bạn có thể tưởng tượng được trên thị trường, ngay cả những người thông minh nhất trong số chúng ta cũng từng mắc phải. Sau đây là 5 điều tôi học được từ cuốn sách này.
Vào năm 2018, tác giả Michael Batnick đã cho ra mắt cuốn sách mang tên “Big Mistakes: The Best Investors and Their Worst Investments”.
Có quá nhiều cuốn sách về đầu tư mổ xẻ những thành công của những nhà đầu tư vĩ đại nhất trong lịch sử. Những cuốn sách này khiến các nhà đầu tư cho rằng việc mô phỏng những người vĩ đại này là điều rất dễ dàng. Đó cũng là những gì tôi nghĩ khi đọc về Buffett và Graham khi tôi mới bắt đầu tìm hiểu về đầu tư.
Tuy nhiên, thay vì cố gắng muốn tái tạo lại thành tích của các tỷ phú yêu thích của mình, các nhà đầu tư mới nên cố gắng tránh những sai lầm thì hơn. Cuốn “Big Mistakes” ghi lại mọi sai lầm mà bạn có thể tưởng tượng được trên thị trường, ngay cả những người thông minh nhất trong số chúng ta cũng từng mắc phải.
Dưới đây là 5 điều tôi học được từ cuốn sách này:
1. Thành công trên một lĩnh vực nào đó của cuộc sống sẽ không tự động chuyển thành thành công trên thị trường
Mark Twain có lẽ là một trong những nhà văn vĩ đại nhất từng được biết đến trong nhân loại. Nhưng sự vĩ đại này lại chẳng giúp gì được nhiều cho ông trên con đường đầu tư. Tác giả Michael đã viết rằng, “Mark Twain đã biên soạn một danh sách các khoản đầu tư thất bại còn dài hơn cả biên lai hiệu thuốc”.
Số lượng các kế hoạch và việc kinh doanh thất bại mà Twain đầu tư vào sẽ khiến bạn vô cùng bất ngờ. Không chỉ vụng về trong việc chọn thứ để bỏ tiền vào, ông còn bỏ qua một trong những phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại:
Ông đã lãng phí 42.000 đô la cho một quy trình khắc được gọi là kaolotype, thứ được cho là sẽ cách mạng hóa các hình minh họa (và nó không thành công), để rồi từ chối đầu tư 500 USD khi nhận được lời mời của Alexander Graham Bell vào công ty Bell Telephone Company.
9 năm sau, 150.000 nghìn chiếc điện thoại bàn đã được lắp đặt ở Mỹ. Điện thoại trở thành một trong những phát minh và ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận bậc nhất thời bấy giờ!
2. Ngay cả cha đẻ của đầu tư giá trị như Benjamin Graham cũng bị “tàn sát” trong cuộc Đại khủng hoảng
Graham là cha đẻ của đầu tư giá trị, người cố vấn của Warren Buffett, và là tác giả của những cuốn sách đầu tư hay nhất và được đọc nhiều nhất từng được biết tới. Ông là người tiên phong trong thế giới đầu tư cơ bản, khám phá và viết về các kỹ thuật và thực hiện phân tích về các nguyên tắc cơ bản của công ty trước khi máy tính và Internet khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Bất chấp tất cả những điều này, Graham vẫn bị “hủy diệt” trong cuộc Đại khủng hoảng vào năm 1929.
Vậy nhưng năm 1930, nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua, Graham đã sử dụng tiền ký quỹ để tận dụng những gì ông nghĩ sẽ mang lại lợi nhuận tuyệt vời cho mình. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa kết thúc, và khi chỉ số Dow sụp đổ, Graham đã có một năm tồi tệ nhất từ trước đến giờ, mất 50%. “Sau khi vượt qua cơn “đại hồng thủy” năm 1929, Graham đã bị lôi kéo trở lại thị trường trước khi thực sự chạm đáy”. Trong 4 năm từ 1929 tới khi chạm đáy vào năm 1932, Graham đã mất 70%.
Người đàn ông đã giới thiệu cho hàng triệu nhà đầu tư về thuật ngữ “biên độ an toàn” ấy lại tự biến mình thành nạn nhân của một trong vụ tai nạn thị trường tồi tệ nhất trong lịch sử.
3. Bạn không thể tránh khỏi thua lỗ trên thị trường
Giống như tiêu đề của cuốn sách, Michael đã mô tả một số khoản đầu tư tồi tệ nhất từ một số nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới (Stanley Druckenmiller, John Maynard Keynes, Jesse Livermore, Michael Steinhart…). Tất cả những người này đã từng mất một số tiền vô cùng lớn ở nhiều thời điểm trong sự nghiệp đầu tư của họ. Bạn phải cảm thấy thoải mái khi thấy danh mục đầu tư của mình giảm giá trị nếu bạn nếu bạn muốn kiếm tiền trên thị trường này.
Chương về Charlie Munger đã chứng minh cho quan điểm này khi bàn về những thua lỗ của Munger trong “thị trường gấu” 1973-74:
Wheeler, Munger đã mất 31,9% vào năm 1973 (so với mức âm 13,1% của Chỉ số Công nghiệp Dow Jones) và 31,5% khác vào năm 1974 (so với –23,1% của Dow). Munger cho biết: “Chúng tôi đã bị chìm trong vụ “tai nạn” năm 1973-1974, đó là một giai đoạn khó khăn – năm 1973 đến 1974 là một giai đoạn rất khó chịu.”
Sự khác biệt giữa Munger và hầu hết các nhà đầu tư ở đây là gì? Đó là ông ấy mong đợi và thản nhiên với việc “thỉnh thoảng mất tiền”. Ông ấy đưa nó vào quá trình đầu tư của mình để giúp kiểm soát cảm xúc của mình khi nó xảy ra. Có quá nhiều nhà đầu tư hy vọng và cầu nguyện rằng họ sẽ không bao giờ gặp phải sự cố thị trường hoặc danh mục đầu tư. Điều này hoàn toàn không hề thực tế.
4. Biết mình
Không có phương pháp đầu tư đúng hay sai cho mọi cá nhân hay tổ chức. Tôi có cảm nghĩ của mình về cách làm mà mình cho là đúng và tôi chắc rằng bạn cũng có cảm nhận riêng của bạn. Theo thời gian, điều tôi học được là ngay cả chiến lược đầu tư tốt nhất cũng vô giá trị nếu nó không phù hợp với tính cách, giá trị hoặc thế giới quan của bạn.
Mọi triết lý hay chiến lược đều có những điểm mấu chốt của nó, vì vậy con đường tốt nhất là tìm ra thứ gì đó mà bạn có khả năng cao sẽ gắn bó được với nó.
Michael viết, “Tôi mất khoảng 5năm và gần 20.000 đô la để nhận ra rằng mình không được sinh ra để trở thành Paul Tudor Jones tiếp theo. Và tôi nhận ra mình hợp với John Clifton “Jack” Bogle nhiều hơn.”
5. Nhận ra những sai lầm của bạn là một trong những cách tốt nhất để học hỏi từ chúng
Một trong những điều tôi không thích nhất trong ngành quản lý tiền bạc là việc đổ lỗi cho người khác về những sai lầm của chính bạn. Tôi đã chứng kiến vô số nhà quản lý quỹ và chuyên gia cư xử như vậy trong nhiều năm. Đó là dấu chấm hỏi rất lớn về tính cách. Mọi người đều mắc sai lầm hoặc sai trong thị trường, vì vậy con đường tốt nhất, đặc biệt là trong một thế giới mà mọi thứ đều được ghi lại hoặc lưu trên Internet, là thẳng thắn thừa nhận khi bạn sai và cố gắng tìm ra lý do.
Khi bàn về Warren Buffett, tác giả Michael viết:
Trên thực tế, một trong những điểm mạnh của Buffett là nhận ra rằng sai lầm là một phần của cuộc chơi. Buffett đã nhắc tới từ “sai lầm” 163 lần trong các lá thư hàng năm của mình. Ông ấy, cũng giống như những người, cũng chẳng lạ gì với những khoản đầu tư tệ hại của mình.
Nhận ra sai lầm, tìm lý do và thay đổi, phẩm chất này không nên chỉ tồn tại ở những người trong giới đầu tư, mà nên là một phẩm chất mà ai cũng nên có trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Đánh giá lỗi lầm của bản thân là một cách tuyệt vời để xây dựng lòng tin.
Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị