Tiêu chuẩn ISO 31000:2018 – Công cụ quản lý rủi ro hiệu quả cho doanh nghiệp cơ khí

Lê Sơn Đại (Giảng viên Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP.Hồ Chí Minh)

Công ty TNHH MTV Cơ khí cân bằng Đức Bảo được thành lập năm 2017, là doanh nghiệp chuyên sản xuất quạt công nghiệp, quạt hút bụi, quạt phân ly, quạt cao áp, quạt ly tâm, trục chà nhám, dao bằm gỗ, bánh đà và các loại rổ ly tâm,… và cơ khí cân bằng các chi tiết lớn như như dao bằm gỗ, dao nghiền gỗ, búa nghiền, búa đập, bánh đà, bánh trớn và các chi tiết máy tốc độ cao. Là một doanh nghiệp nhỏ, lãnh đạo Công ty không có nhiều điều kiện và nguồn lực để cải tiến công nghệ quản lý mà chỉ chủ yếu quản lý dựa vào kiến thức, kinh nghiệm sẵn có. Qua đại địch Covid-19, Công ty phải đối diện với nhiều khó khăn để phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Công ty đã tiếp cận được thông tin về Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 vào doanh nghiệp của Việt Nam” do Trường Đại học Ngoại thương chủ trì. Lãnh đạo Công ty nhận thấy đây là cơ hội tốt để được tư vấn áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 và có thể phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Quá trình tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia Trường Đại học Ngoại thương diễn ra trong khoảng 6 tháng đã giúp Công ty triển khai đầy đủ các nội dung quản lý rủi ro doanh nghiệp cơ bản theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018. Trường khi được tư vấn, Công ty đã nhận diện được 4 rủi ro bao gồm: 01 rủi ro ở đầu vào, 02 rủi ro trong quá trình sản xuất \và 01 rủi ro ở đầu ra. Sau khi được tư vấn, Công ty đã đã nhận diện thêm được 2 rủi ro đó là: Khan hiếm vật liệu và Ô nhiễm tiếng ồn trong nhà xưởng. Từ đó, Công ty đã tiến hành phân tích, định mức rủi ro và xác định được các phương án để xử lý tất cả 6 rủi ro sau khi cân nhắc lợi ích và chi phí, điều kiện thực hiện. Trên cơ sở các phương án xử lý rủi ro đã xác định, Công ty đã thực hiện lập kế hoạch hành động chi tiết cho từng rủi ro với từng bước cụ thể từ đơn vị đầu mối, đơn vị phối hợp đến thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc rõ ràng và triển khai thực hiện.

Sau khi triển khai hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018, Công ty đã thu được những kết quả tích cực bước đầu đó là: Đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và hiệu quả sản xuất khi có đủ vật liệu; giảm gián đoạn sản xuất, đảm bảo tiến độ giao hàng; đảm bảo hiệu quả sản xuất khi công nhân ít chịu tiếng ồn; duy trì doanh thu, giữ chân được khách hàng. Kết quả áp dụng ISO 31000:2018 tại Công ty TNHH MTV Cơ khí cân bằng Đức Bảo cho thấy một doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thể áp dụng thành công quản lý rủi ro theo ISO 31000:2018 khi lãnh đạo doanh nghiệp quyết tâm và ủng hộ triển khai, nhân viên công ty có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và mong muốn tiếp thu công nghệ quản lý mới. Những thành tựu bước đầu trong quản lý rủi ro trên cơ sở ISO 31000:2018 là động lực để Công ty tiếp tục hoàn thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng bền vững.

*Bài viết này là sản phẩm của đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp quốc gia “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 vào doanh nghiệp của Việt Nam”, mã số 03.6/NSCL-2022.

Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Cơ khí cân bằng Đức Bảo
Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Cơ khí cân bằng Đức Bảo